Báo cáo mới nhất của Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục có một tháng trầm lắng.
Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với đà phát triển ở những năm trước đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 1/3 so với tổng số vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ tại tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và Trách nhiệm”, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đánh giá rằng những năm qua thị trường trái phiếu tăng trưởng khoảng 30-35% mỗi năm. Nếu tốc độ tăng trưởng này vẫn được duy trì thì 6 năm nữa, tổng quy mô thị trường sẽ tăng lên 11,2 triệu tỷ đồng và có thể gánh được nguồn vốn trung và dài hạn mà hệ thống các tổ chức tín dụng đang phải gánh.
“Đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành. Tức xảy ra trường hợp sai phạm thì nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu phải được phát triển với tâm thế xem nó là “máu” của nền kinh tế nhưng thực tại lại không phải vậy”, ông Nghĩa lưu ý và cho rằng thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, qua đó đưa ra được quyết định đầu tư theo khẩu vị rủi ro.
“Niềm tin và trách nhiệm là 2 từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ, lòng tin trước hết là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử với thị trường lên bờ xuống ruộng. Thị trường như vậy khó phát triển bền vững lâu dài, khó giữ niềm tin của dân chúng vững chắc”, ông Nghĩa nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho hay thông thường, cách cổ điển là cơ quan quản lý xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như sẽ kiến rủi ro ít nhưng tiêu diệt thuộc tính điên nhiên của tất cả các thị trường tài chính là có rủi ro.
Do đó, ông Tú Anh đánh giá, cần phải có cách tiếp cận mới là xây dựng niềm tin. “Công cụ phát triển niềm tin tốt hơn là xây dựng bảo hiểm rủi ro, chúng ta xây dựng những định chế đảm bảo, rằng rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều… thị trường khi đó sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn. Theo đó, trách nhiệm thuộc về cơ quan nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
Như vậy, có thể nói rằng, niềm tin và yếu tố quan trọng nhất để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển. Hiện tại, để xây dựng niềm tin, cơ quan quản lý đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào hệ thống xếp hạng tín nhiệm.
Ông Trịnh Quang Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam, đặt ra câu hỏi, ai xếp hạng tín nhiệm, và ai là cơ quan xếp hạng các đơn vị xếp hạng tín nhiệm này?
Bên cạnh đó, ông Quang Anh cho rằng, điểm đầu tiên để nhà đầu tư đặt niềm tin là việc cơ quan quản lý công khai minh bạch. Tuy nhiên, từ khoảng cuối quý 4/2021 đến nay, thông tin chính thống được cơ quan quản lý công bố lại bị phủ lớp sương mù như: không rõ mục đích phát hành, thời gian phát hành, ai là người mua…
“Niềm tin quả thật phải xây dựng. Nhưng niềm tin để nhà đầu tư có thể đặt vào mới chỉ là việc kiểm soát rủi ro vĩ mô mà Chính phủ đang thực hiện khá tốt”, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam nói.
VP