Đến thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%, đây là mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ. Hạn mức tín dụng còn lại của 14% sẽ được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phân bổ thêm cho các ngân hàng tốt…
Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 8/2022, trả lời câu hỏi về kiểm soát lạm phát và vấn đề tăng lãi suất, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết đây là những vấn đề mà nhiều nước quan tâm, trong đó có Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc, lạm phát không còn là nguy cơ mà đã trở thành rủi ro hiện hữu với các nền kinh tế trên thế giới. Hiện tại, để chống lạm phát, nhiều ngân hàng trung ương lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất. Cụ thể, FED tăng tổng cộng 2,25 điểm phần trăm. Tương tự, ECB tăng 0,5 điểm phần trăm, qua đó chấm dứt 11 năm duy trì lãi suất thấp.
Đối với Việt Nam, lạm phát cũng đang là vấn đề được dư luận quan tâm, Chính phủ chỉ đạo. Đáng mừng là trong 2-3 tháng gần đây, lạm phát tăng không nhiều chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh khiến giá nhiều mặt hàng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng trong giai đoạn từ đầu năm 2022 tới tháng 8/2022 tăng 2,58%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
“Trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương tăng nhanh lãi suất mà Việt Nam vẫn giữ nguyên được lãi suất, cũng có thể coi là hạ lãi suất so với thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay lãi suất với mức giá rẻ hơn”, ông Tú nhận xét.
Dù vậy, ông Tú cho rằng, việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
Với các ngân hàng thương mại, biến động tăng nhẹ lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, thấp nhất với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ ở mức 7,9-9,3%, tức lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá ổn định.
Thời gian tới, để vừa khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, vừa kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại dùng nội lực của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp như trong giai đoạn Covid-19.
Tổng giá trị hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh của các Ngân hàng là 52.000 tỷ đồng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại tiếp tục cắt giảm chi phí của mình để dành dự địa hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Các ngân hàng lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng so với quy mô vốn thì không phải là cao. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp là một nội dung chắc chắn sẽ được đặt ra trong thời gian tới”, Phó Thống đốc nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm về việc điều hành chính sách tiền tệ, ông Tú nhấn mạnh, mục tiêu là duy trì tỷ lệ lạm phát dưới 4%, tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, từ các chỉ tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán, cân nhắc và đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.
Đồng thời, chỉ tiêu này được đặt ra từ đầu năm trong bối cảnh nền kinh tế không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi như cuộc xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng gây tăng giá nguyên vật liệu…
“Hiện tại, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cao nhất. Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng là 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái và các ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức được giao trong đầu năm. Phần hạn mức tăng trưởng còn lại sẽ tiếp tục được giao trong 1-2 ngày tới”, Phó Thống đốc nói.
Được biết, việc điều chỉnh “room” tín dụng đợt này của Ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, cơ quan điều hành tiền tệ sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
VP