Giá khí đốt chuẩn của Châu Âu tăng 14% chỉ trong 3 ngày hồi tuần trước lên mức cao kỷ lục mới, tiếp tục xu hướng tăng từ những tuần gần đây do nhu cầu khí đốt cho sản xuất điện cao trong bối cảnh nắng nóng và nguồn cung khí đốt Nga ở mức thấp, Oilprice.com thông tin ngày 21.8.
Giá khí đốt Châu Âu đạt mức kỷ lục mới
Giá khí đốt Châu Âu tăng vào thời điểm EU đang nỗ lực bổ sung cho kho dự trữ khí đốt trước mùa đông. EU đang lo ngại thiếu hụt khí đốt có thể phải dẫn tới phân bổ khí đốt, các ngành công nghiệp đóng cửa và các hộ gia đình phải trả giá điện và chi phí sưởi ấm cao vọt.
Giá khí đốt chuẩn của Châu Âu tại trung tâm TTF của Hà Lan tăng 14% từ 15.8 đến 17.8, tăng 6% vào ngày 17.8 đạt mức kỷ lục mới là 240 USD/megawatt giờ.
Giá khí đốt đã tăng gấp đôi kể từ tháng 6, thời điểm Nga lần đầu giảm nguồn cung thông qua Nord Stream – đường ống dẫn khí đốt quan trọng đưa khí đốt Nga tới nền kinh tế lớn nhất Châu Âu – nước Đức.
Khí đốt tiêu chuẩn Châu Âu hiện được giao dịch ở mức tương đương 410 USD/thùng dầu thô. Điều này nêu bật sự suy yếu kinh tế tác động lên khu vực, Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhận định.
Giá khí đốt kỷ lục như vậy đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp ở Đức và phần còn lại của Châu Âu, với các công ty thông báo ngừng hoặc cắt giảm sản xuất “cho đến khi có thông báo mới” trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.
Các ngành công nghiệp đã cảnh báo rằng việc giảm sản lượng và hoạt động có thể dẫn tới sự sụp đổ của chuỗi cung ứng và sản xuất.
Chính phủ các nước cũng đang chạy đua để đảm bảo đủ khí đốt cho mùa đông, đồng thời nỗ lực cân đối để tránh gánh nặng chi phí cho các hộ gia đình và tránh sự sụp đổ của ngành công nghiệp cũng như làn sóng phá sản của các công ty năng lượng.
Cuộc khủng hoảng khí đốt và một đợt nắng nóng làm hạn chế nguồn cung và sản lượng từ các nguồn nhiên liệu khác khiến giá điện trong năm tới tiếp tục tăng cao ở Châu Âu, trong đó giá điện của Đức, mức chuẩn của Châu Âu, tăng lên hơn 508 USD/megawatt giờ vào ngày 16.8 – một kỷ lục mới.
Klaus Muller, Chủ tịch cơ quan quản lý năng lượng của Đức, chia sẻ với Bloomberg trong tuần trước rằng, dù lượng dự trữ đạt được nhanh hơn bình thường nhưng Đức sẽ chỉ có đủ khí đốt để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong khoảng 2 tháng rưỡi trong trường hợp Nga ngừng hẳn cung cấp khí đốt.
“Gánh nặng của giá khí đốt và giá dầu cao sẽ thực sự có nghĩa là chúng ta sẽ chứng kiến một số nền kinh tế Châu Âu giảm mạnh trong năm tới” – ông Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu của Energy Aspects, nhận định.
Tình trạng tương tự ở Mỹ
Ngoài Châu Âu, giá khí đốt ở Mỹ và Châu Á cũng đang tăng. Nhu cầu điện cao và sản lượng khí đốt không đổi ở Mỹ. Trong khi đó, những khách hàng lớn ở Châu Á cũng đang quay trở lại thị trường LNG để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa đông.
Giá khí đốt ở Châu Âu đang ở mức kỷ lục và cao hơn khoảng 7 lần so với giá chuẩn của Mỹ. Dù vậy, giá khí đốt của Mỹ tại Henry Hub cũng đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm.
Đây là kết quả của sản xuất trong nước ở mức duy trì trong khi nhu cầu khí đốt mạnh cho các nhà máy điện do nắng nóng và lượng khí đốt lưu kho thấp hơn bình thường dù sự cố tại nhà máy xuất khẩu LNG Freeport khiến lượng khí đốt sẵn sàng cho tiêu thụ trong nước nhiều hơn.
Sự cố ngừng hoạt động của Freeport LNG khiến giá Henry Hub giảm 39% trong tháng 6. Sang tháng 7, nhiệt độ cao hơn mức bình thường trên phần lớn nước Mỹ dẫn tới nhu cầu khí đốt mạnh mẽ trong ngành điện, vốn đã tiêu thụ phần lớn lượng khí đốt dư thừa liên quan đến Freeport LNG và khiến lượng khí đốt tồn kho không tăng nhanh hơn, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông tin hồi tuần trước. Hơn nữa, biến động giá khí đốt đạt mức cao nhất mọi thời đại trong quý 1 năm 2022, EIA lưu ý.
Dự trữ khí đốt đang thấp hơn 12% so với mức trung bình 5 năm và thấp hơn 10% so với năm ngoái tại thời điểm này, theo EIA.
Sau khi sụt giảm vào đầu tháng 6 do sự cố bất khả kháng của Freeport LNG, giá khí đốt chuẩn của Mỹ đã tăng 70% kể từ cuối tháng 6, lên mức cao nhất kể từ tháng 8.2008 vào tuần trước, với mức trên 9,30 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu). Giá chuẩn của Châu Âu tính bằng MMBtu tương đương là gần 70 USD/MMBtu – cao hơn gần 7 lần so với giá chuẩn của Mỹ.
Mức chênh lệch giá lớn này được kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu LNG từ Mỹ sang Châu Âu nhiều hơn. Xuất khẩu theo hướng này vốn đã ở mức cao kỷ lục khi EU tìm cách thay thế lượng khí đốt qua đường ống của Nga.
Nhu cầu LNG Châu Á tăng trở lại
Bởi LNG hiện là hàng hóa toàn cầu, giá khí đốt chuẩn và giá LNG giao ngay đang tăng vọt trên toàn thế giới. Giá của những mặt hàng này đều có thể tăng cao hơn nữa khi mùa sưởi ấm tới gần.
Các nhà nhập khẩu khí đốt Châu Á cũng đang trở lại thị trường để thu mua cho mùa đông, các thương nhân tiết lộ với Bloomberg.
Nhu cầu cao hơn ở Đông Bắc Á khiến giá LNG giao ngay tăng lên gần 60 USD/MMBtu – mức cao nhất kể từ đầu tháng 3 khi xung đột Nga – Ukraina đẩy giá LNG ở Đông Bắc Á lên mức cao kỷ lục hơn 80 USD/MMBtu.
Khi mùa đông đến gần, giá khí đốt có thể còn tăng hơn do nguồn cung từ Nga vẫn ở mức thấp, nhu cầu LNG tăng và các nhà sản xuất Mỹ không vội tăng sản lượng.
Cuối cùng, giá khí đốt cao có thể thúc đẩy phản ứng từ các nhà khai thác khí đá phiến Mỹ ở phía nguồn cung trong khi ở phía cầu, giá kỷ lục có thể đẩy nhanh việc phá hủy nhu cầu và nhấn chìm nền kinh tế Châu Âu.
TH